
Ở một cách hiểu khác, thì nội thất là những thứ đồ kê rời, hay còn gọi là đồ nội thất, đó là bàn, ghế, giường, tủ, kệ, hoặc đồ lắp đặt có tính cố định không cao như mành rèm… và cả những thiết bị sử dụng trong cuộc sống như tủ lạnh, tivi, máy nghe nhạc…; không bao gồm những thứ gắn liền với kiến trúc, có tính cố định như thiết bị điện – chiếu sáng, thiết bị vệ sinh.
Lại có một cách hiểu nội thất khác, là những yếu tố, những thứ trang trí, làm đẹp căn phòng, như màu sắc, hệ thống chiếu sáng, các đồ đạc rời, mành rèm và cả những thứ trang trí thuần tuý như tranh ảnh, tượng, bình hoa, vật lưu niệm…
Trong mối quan hệ với kiến trúc, nội thất là bước sau; nhưng thực tế rất khó tách bạch cụ thể với kiến trúc và cả các vấn đề kỹ thuật khác. Ví dụ như có ý tưởng trang trí nội thất bằng một bức tranh ở vị trí đó, thì vấn đề lại bắt đầu rất sớm trong cả quá trình thiết kế, thi công, như cần một ô tường lõm, và một đầu điện chờ cho đèn rọi tranh. Và trong thực tế, rất nhiều nội dung công việc là “làm nội thất” hay “thiết kế nội thất”, “trang trí nội thất”… lại liên quan đến rất nhiều vấn đề kiến trúc và kỹ thuật. Bởi nội thất bố trí không được, không ổn, hệ thống kỹ thuật không phù hợp với ý đồ nội thất thì lại phải cải tạo, chỉnh sửa cả kiến trúc và kỹ thuật.
Và vì vậy, nên hiểu “nội thất” một cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, nội dung cụ thể hay trong tiến trình xây dựng; từ đó có những nhận định, đánh giá và triển khai đúng cho công việc.